Từ thời xa xưa, phái mày râu đã biết cạo lông và râu trên mặt bằng nước nóng, xà phòng và một lưỡi dao sắc bén – quả thật là rất công phu và tốn thời gian, thậm chí còn hay bị xước da mặt do dao cạo quá bén. Tới thế kỷ XX, con người đã đạt được những tiến bộ công nghệ vượt trội trong nhiều lĩnh vực của đời sống, và thật trùng hợp khi hai nhà phát minh sống ở hai phía của Đại Tây Dương đã cùng tìm ra cách để giúp nam giới có được khuôn mặt nhẵn nhụi mà công cần tới dao cạo, xà phòng hay nước nóng.
Jacob Schick ra đời năm 1877 trong một gia đình di dân người Đức nhưng sau đó ông lại lớn lên ở New Mexico, và gia nhập quân đội năm 1898 khi cuộc chiến Tây Ban Nha-Mỹ nổ ra. Năm 1905, khi đang giữ cấp bậc trung úy, Jacob đã bị điều tới Fort Gibbon ở Alaska để tham gia xây dựng các tuyến thông tin trong suốt 5 năm sau đó. Kỷ luật quân đội đã ngấm vào máu thịt của Jacob, và dù điều kiện sống thiếu thốn khó khăn nhưng ông vẫn luôn cạo râu sạch sẽ gọn gàng theo đúng điều lệnh, điều lệ của nhà binh. Và đây cũng chính là khởi nguồn của hai trong số những phát minh nổi tiếng nhất của Jacob.
Khi đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra, Jacob Schick được điều đến châu Âu và tiếp tục phục vụ tới cấp bậc trung tá rồi nghỉ hưu. Lúc này ông mới có thời gian cho việc theo đuổi đam mê. Phát minh đầu tiên của ông liên quan đến một vấn đề đã từng làm ông rất ức chế trong suốt những năm tháng đóng quân ở Alaska: Nhiệt độ thấp của vùng này khiến các ngón tay bị mất độ nhạy cảm, không hề dễ dàng gì để lắp được lưỡi dao vào bàn cạo.
Giờ đây bằng cách áp dụng nguyên lý làm việc của súng trường tự động mà ông học được khi tham chiến ở châu Âu, Schick đã phát triển thành công và được cấp bằng sáng chế cho loại dao cạo với hệ thống bán tự động thay thế lưỡi dao (được đóng gói trong những chiếc kẹp như kẹp đạn), và vào năm 1925 ông đã thành lập công ty sản xuất loại dao cạo nói trên. Ba năm sau đó, ông lại phát minh ra dao cạo điện đầu tiên trên thế giới, nhờ đó mà giải quyết nốt được vấn đề khác tại Alaska - thiếu nước nóng.
Việc sử dụng loại dao cạo điện này khá phức tạp, đòi hỏi người dùng phải sử dụng cả hai bàn tay: một để giữ động cơ và một để cầm tông đơ (được nối với động cơ bằng trục đàn hồi). Nó được sản xuất hàng loạt vào năm 1931, và mặc dù khá mất sức trong thao tác và ra đời vào giữa cuộc Đại khủng hoảng nhưng dao cạo điện lại nhận được thành công ngoài sức tưởng tượng: hơn một triệu chiếc đã được bán trong 2 năm với giá 25 đô la/chiếc.
Theo Liên Minh Kỷ Lục Thế Giới (Worldkings.org)