Công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1 - 2013) (đợt 2)

03-12-2013

Kỷ lục Vietkings - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sau thời gian triển khai Hành trình tìm kiếm Top đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất đã nhận được nhiều đề cử từ các địa phương, các đơn vị ngành du lịch, du khách trong và ngoài nước và cộng đồng kỷ lục gia trên toàn quốc.


Nay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trân trọng công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1 - 2013). Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã gửi hồ sơ đề cử 10 đặc sản quà tặng Việt Nam đến Tổ chức Kỷ lục châu Á, ngày 29.10.2013, Văn phòng Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã có thư xác nhận 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt giá trị đặc sản quà tặng châu Á theo bộ tiêu chí đặc sản quà tặng châu Á bao gồm Bánh đậu xanh (Hải Dương), Chè Thái Nguyên, Sâm Ngọc Linh...

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1 - 2013). Danh sách được sắp xếp theo thứ tự a,b,c… theo tên các tỉnh.

16.    Măng Le khô - Đắk Lắk


Cây tre Le không có gai, thân dẻo. Le mọc thành từng bụi, mọc ven sông,ven suối, có khi mọc thành từng láng rộng. Măng le được lấy từ phần thân, ngọn của cây măng, cắt lát phơi khô. Măng le thuộc loại ngon nhất trong các loài măng. Măng le, đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng, cũng không chát. Măng có mầu đỏ vì không sử dụng chất bảo quản.
Măng Le thuộc hàng cao cấp. Chỉ luộc một nước là ăn được, không đắng. Măng Le ăn lành, sào, luộc hay nấu canh suông đều được.



17.    Bánh Phồng tôm  Sa Giang - Đồng Tháp

Hàng chục năm qua, đặc sản nổi tiếng của Đồng Tháp là bánh phồng tôm mang thương hiệu Sa Giang . Bánh được làm từ bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, bánh được cắt ra từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Lúc ăn, nướng chín, bánh có hương vị nồng thơm, cay cay, đậm đà hương vị ẩm thực Việt.




18.    Nem Lai Vung - Đồng Tháp

Nghề làm nem phát triển mạnh ở xã Tân Thành, xã Long Hậu, thị trấn Lai Vung và được xem là làng nghề truyền thống lâu năm nhất ở Đồng Tháp. Cách làm và chế biến nem khá công phu. Thịt nạc lọc hết gân, mỡ, xắt mỏng cho vào cối, thêm đường, muối vừa đủ và xay nhuyễn. Xay xong cho da heo (bì), thính vào trộn, không quên rắc vài hạt tiêu và miếng tỏi xắt mỏng. Nem được gói vào lá chùm ruột hay lá vông non, bên ngoài bọc một lớp lá chuối. Mức độ lên men, chua mau hay chậm là do lớp lá bọc bên ngoài dày hay mỏng.



19.    Mật ong - Gia Lai


Gia Lai có sản lượng mật ong rất lớn chỉ đứng sau vùng Đông Nam Bộ. Gia Lai là một tỉnh có vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày rất lớn với trên 200.000 ha, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Từ năng suất khai thác mật 37 kg/đàn tăng lên đạt 40 kg/đàn, chu kỳ quay mật trong một năm cũng tăng từ 12 lên 16 lần so với nuôi ong tự phát. Mật ong Gia Lai đang chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thế giới.


 
20. Táo Mèo - Hà Giang


Vùng cao Hà Giang có cây táo rừng, thuộc dạng cây nhỏ, nhiều gai, có hoa màu trắng nở vào mùa Xuân. Trái táo rừng chín vào cuối thu (tháng 9 - 10). Người Mèo và người Mông thường len lỏi trong các vùng núi để thu hái loại trái cây này làm thức ăn, hoặc xắt mỏng phơi khô bán cho người làm thuốc, ngâm rượu. Trái táo rừng còn xanh được gọt vỏ, chẻ tư làm dưa muối, hoặc ngâm đường chắt nước làm nước giải khát, hoặc ướp men cho một thứ rượu nhẹ giống như rượu cần. Trái chín có thể ăn như táo, lê, làm mứt hay ô mai cay.



21.    Cốm xanh - Hà Nội

Nghề làm cốm vất vả nhất là công đoạn rang lúa. Rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo. Vào những chiều thu, vào làng cốm ta sẽ được thưởng thức cái hương thơm ngọt ngào lan tỏa, cùng tiếng chày giã cốm thậm thịch thâu đêm. Từ cốm, người Hà Nội có thêm bánh cốm và chè cốm... những món ăn không kém phần thi vị bởi cái dẻo thơm của cốm, bùi đậm của đậu xanh, sần sật của sợi dừa xắt mỏng.



22.    Kẹo Cu Đơ -Hà Tĩnh


Kẹo Cu Đơ là một loại kẹo lạc (đậu phộng) đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh. Kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm lạc nhân và được đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại. Loại kẹo này rất dẻo và dính, có thể ăn không hoặc thưởng thức cùng với nước chè xanh.



23.    Bánh đậu xanh - Hải Dương

Nguyên liệu để chế biến bánh gồm: Đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Tất cả đều phải được chọn lọc và được chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỉ lệ hợp lý, vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng. Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn, phải được xem xét cẩn thận để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh. Bánh được đóng theo cách: 10 khẩu mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x1,1 cm) nặng 45 gam.



24.    Măng đắng - Hòa Bình

Măng đắng ngon là thứ mầm cây thuộc họ tre, trúc, mai, vầu, sặt, nứa mới nhú khoảng 1-2 đốt ngón tay trở xuống, phần thân còn lại ngập trong đất. Khi bóc bẹ ra, thân măng trắng muốt, nuột nà. Muốn có món măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại bóc dần từng bẹ chấm vào gói chẩm cheo gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ. Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt…



25.    Tương Bần - Hưng Yên

Tương Bần Hưng Yên có từ khoảng cuối thế kỷ 19, nó đã trở thành một trong những món ăn đặc sản của Việt Nam. Tương Bần được chế biến qua 2 giai đoạn là chọn nguyên liệu và làm tương. Nguyên liệu chính của tương Bần là đỗ tương, muốn tương ngon thì phải chọn đúng loại được trồng trên đất Hưng Yên, để có được độ đậm ngọt nhất định và to vừa. Các nguyên liệu còn lại là nếp cái hoa vàng và muối trắng. Thứ dùng để lên men là mốc (Aspergillus Oryzae) và chum sành.



26.    Nước mắm nhỉ Nha Trang - Khánh Hòa

Nước mắm có mặt hầu hết trong các bữa ăn gia đình Việt. Chọn mua một loại nước mắm vừa ý cũng không phải là chuyện đơn giản.Nước mắm ngon phải là nước mắm được sản xuất theo quy trình truyền thống, thời gian sản xuất trên một năm và đánh giá ở hương, vị và màu sắc. Trong tất cả những thương hiệu nước măm nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam, có nước mắm Nha Trang, đặc biệt là nước mắm nhỉ cá cơm. Nước mắm nhỉ cá cơm Nha Trang hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như : Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh – Nam Định – Thái Bình – Đà Nẵng – Nam Trung bộ - Tây Nguyên...



27. Yến Sào - Khánh Hòa

Ở các tỉnh Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa…là nơi có sản lượng tổ yến nguyên chất nhiều nhất.  Các tổ chim yến thường được làm ở các đảo trên các vách đá và việc khai thác thường rất nguy hiểm. Yến sào chứa hàm lượng protein cao (khoảng 50-60% tùy thuộc địa điểm khai thác) gồm 18 loại axit amin, 31 nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ và bồi dưỡng cho người già, 7 loại đường (carbohydrat) thiết yếu đối với chức năng của cơ thể người.



28.    Nước mắm Phú Quốc - Kiên Giang

Nước mắm Phú Quốc là tên gọi chung cho các loại nước mắm được sản xuất tại Phú Quốc, một đảo lớn ở phía Tây Nam của Việt Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang. Nó là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết ở nhiều nước trên khắp thế giới. Nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có khoảng chục loại, nhưng chỉ có cá sọc tiêu, cơm đỏ và cơm than là cho chất lượng nước mắm cao nhất. Nước mắm Phú Quốc được ngâm ủ trong những thùng gỗ lớn bằng gỗ bời lời có tại rừng Phú Quốc.



29.    Tiêu Phú Quốc - Kiên Giang

Tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín riêng phân ra thành 3 loại: tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen. Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng không nơi nào sánh kịp. Người dân Phú Quốc bảo tồn nghề trồng tiêu không những vì mục đích kinh tế mà còn có giá trị lớn về văn hóa, du lịch.


 
30.    Sâm Ngọc Linh - Kon Tum

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) là một loài cây thuộc họ Cam tùng (Araliaceae), là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum. Trên độ cao 1.200 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin.



31.    Atisô - Lâm Đồng

Atisô (Cynara scolymus) là loại cây có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu. Cây Atisô có thể cao lên tới 1,5 đến 2 mét, lá cây dài từ 50–80 cm. Atisô được trồng ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 (Sa Pa, Tam Đảo), nhiều nhất là ở Đà Lạt. Atisô không những chỉ dùng lá bắc và đế hoa để ăn mà còn dùng làm thuốc. Hoạt chất chính của atisô là cynarine (Acide 1- 4 dicaféin quinic). Ngoài ra còn có inulin, inulinaza, tamin, các muối hữu cơ của các kim loại Kali, Canxi, Magiê, Natri... Atisô có tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu…



32.    Chè Bảo Lộc -    Lâm Đồng

Những năm 1930 -1940 Bảo Lộc được khai thác mạnh về nông nghiệp, công nghiệp. Nhiều nông trang, đồn điền để trồng chè, cà phê,... Cây chè có một lịch sử khá lâu đời tại Bảo Lộc đã khẳng định ưu thế tuyệt đối. Hiện nay, cây chè Bảo Lộc vẫn tiếp tục phát triển về diện tích và sản lượng. Trà Bảo Lộc được chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trà (chè) là thứ nước giải khát lành mạnh cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của trà Bảo Lộc.



33.    Mứt Đà Lạt -  Lâm Đồng


Mứt Đà Lạt có nhiều loại: mứt dâu tây, mức hồng, mức táo… Trong đó hai loại mứt dâu tây và mứt hồng được du khách ưa chuộng mua về làm quà. Dâu tây là thứ quả ngon, đẹp mắt, mứt làm từ dâu tây thơm ngọt lại bổ dưỡng. Mứt hồng rất ngon, vừa dai, vừa mềm lại dịu ngọt. Đó không chỉ là món ăn thỏa nỗi nhớ khi trái mùa mà còn dùng là quà biếu rất lịch sự



34.    Kẹo Sìu Châu - Nam Định


Kẹo Sìu châu gần giống với kẹo lạc nhưng thơm và ngon hơn. Theo người dân Nam Định, cái tên kẹo Sìu Châu đã có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo ngon có tiếng. Nguyên liệu làm kẹo Sìu châu rất dễ kiếm, gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Lạc chọn làm kẹo phải được chọn lọc cẩn thận từ những hạt lạc to, mẩy, bóng vỏ và tròn, khi rang chín phải giòn, thơm bùi, vỏ săn lại. Vừng có thể là vừng trắng hoặc vừng đen, mỗi loại vừng sẽ làm cho kẹo Sìu ngon một vị và màu sắc cũng khác nhau.



35.    Nhung hươu - Nghệ An


Nhung tốt nhất là loại nhung non, vừa phân nhánh. Tỉ lệ dưỡng chất, hoocmon, enzim, các nguyên tố vi lượng trong nhung lớn nhất. Mỗi cặp Lộc nhung thường nặng từ 200g đến 600g (một số cặp mập có thể nặng trên 600g). Nhung hươu là một trong những thượng dược có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, phòng và chữa bệnh hàng đầu cho con người.



Nhung hươu có tác dụng làm tăng sức mạnh toàn thân, nâng cao thể lực, bệnh nhân ăn ngủ tốt hơn, bớt mệt mỏi, những vết thương chóng lành, ảnh hưởng tốt đến việc trao đổi chất đạm và mỡ, làm chậm quá trình lão hoá, kéo dài tuổi thọ...

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM
Chính thức công bố thông tin tháng 11/2013