Công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1 - 2013) (đợt cuối)

03-12-2013

Kỷ lục Vietkings - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sau thời gian triển khai Hành trình tìm kiếm Top đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất đã nhận được nhiều đề cử từ các địa phương, các đơn vị ngành du lịch, du khách trong và ngoài nước và cộng đồng kỷ lục gia trên toàn quốc.


Nay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trân trọng công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1 - 2013). Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã gửi hồ sơ đề cử 10 đặc sản quà tặng Việt Nam đến Tổ chức Kỷ lục châu Á, ngày 29.10.2013, Văn phòng Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã có thư xác nhận 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt giá trị đặc sản quà tặng châu Á theo bộ tiêu chí đặc sản quà tặng châu Á bao gồm Bánh đậu xanh (Hải Dương), Chè Thái Nguyên, Sâm Ngọc Linh...

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (l��n 1 - 2013). Danh sách được sắp xếp theo thứ tự a,b,c… theo tên các tỉnh.

36.    Tương Nam Đàn - Nghệ An


Tương Nam Đàn là loại tương có nguồn gốc, xuất xứ và sản xuất chế biến phần lớn tại huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An .Nó là một loại nước chấm, nước chan được nấu từ hạt đậu tương và hạt nếp hoặc hạt ngô làm mốc dùng trong sinh hoạt ăn uống giống như các loại chấm khác ở miền Nam. Đậu dung để nấu tương là đậu nành, dùng ngô bắp làm mốc thì có nhiều vị ngọt của đường (gluco) nhưng dùng nếp làm mốc thì có vị ngọt của đạm (Amino Acid) hơn . Thường thì người ta dùng nếp để làm mốc hơn là ngô. Nếp phải chon loại nếp tốt như vậy mới cho ra vị đậm,ngọt, tương sánh hơn, quyện hơn.



37.    Nem Yên Mạc - Ninh Bình


"Yên Mạc đặc sản nem chua
Tiệc tùng đình đám thường mua về dùng”

Nem chua nổi tiếng nhất vùng Yên Mạc là xã thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình, nổi tiếng với đặc sản nem chua cổ truyền. Kỹ thuật làm nem chua rất cầu kỳ. Nhất thiết phải dùng thịt nạc mông, vừa mới mổ lợn, thịt còn tươi nóng. Nếu dùng thịt thăn hoặc nạc vai, nem sẽ bị nhão, không ngon. Bì lợn khoanh mặt da vào trong, buộc lại rồi bỏ vào luộc vừa chín, không được nhão, khó thái, bì không ngon. Vớt bì ra, ép cho thẳng, lọc bớt mỡ bạc nhạc đi dùng dao sắc thái mỏng, lạng từng thanh mỏng như tờ giấy, thái nhỏ như sợi cước. Thính gạo tẻ, gói nem bằng lá chuối, bọc ngoài lớp nem là lá ổi để khi ăn có vị thơm.

 

38.    Kẹo Mạch nha  - Quảng Ngãi

Kẹo mạch nha hay mạch nha là tên gọi dùng để chỉ loại mật dẻo được sản xuất từ ngũ cốc hay mạch nha (lúa mạch, đại mạch, hột lúa mạch mì đã có mầm, lúa, nếp…) Loại kẹo đường này có độ dẻo nhưng không dai, màu vàng sậm, vị ngọt thanh, thơm ngon mùi nếp. Ở Việt Nam, mạch nha là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Nguyên liệu để nấu mạch nha gồm có bột mộng của ngũ cốc đã có mầm hoặc từ sắn và mộng lúa già. Vị ngọt của mạch nha hoàn toàn là vị ngọt của nếp và mộng lúa chứ không phải từ đường.



39.    Quế Trà Bồng - Quảng Ngãi

Sản phẩm quế Trà Bồng được thị trường đánh giá cao, vì có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được nhiều thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc... Hiện nay, tinh dầu quế và  các mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ vỏ quế như bình, chén, hộp đựng trà; tăm, nhang… được tiêu thụ khá mạnh.



40.    Tỏi Lý Sơn - Quảng Ngãi

Địa danh huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ gắn liền với quê hương của Hải đội Hoàng Sa, mà đảo tiền tiêu này còn nức tiếng với sản vật hành tỏi có hương vị đậm đà, thơm ngon không đâu sánh bằng. Huyện đảo Lý Sơn từ lâu nổi tiếng với nghề trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn nức tiếng thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của một vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc. Đặc biệt, sau những ngày đón Tết, vương quốc tỏi càng thơ mộng hơn khi tỏi ngã vàng...



41.    Chè vằng - Quảng Trị


Cây chè vằng ở Quảng Trị mọc hoang ở khắp nơi. Loại cây bụi nhỏ, đường kính thân không quá 6mm. Thân cứng, phân nhánh nhiều. Vỏ thân nhẵn màu xanh lục. Lá chè vằng có 3 gân dọc. Hoa chè vằng mọc thành chùm nhiều hoa (chừng 7-9 hoa), quả chè vằng hình cầu cỡ hạt ngô, chín màu vàng.Nghiên cứu dược lý chứng minh lá chè vằng có chứa terpenoit, glycosit đắng, flavonoit, nhựa và ancaloit có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm tăng nhanh tái tạo tổ chức, làm mau lành vết thương, thông huyết, điều kinh, đau bụng, hay điều trị đau khớp xương, thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn, cảm hay vàng da.



42.    Bánh In - Sóc Trăng


Bánh được làm từ nguyên liệu chính: gạo nếp, đường cát,nước cốt dừa. Khi chọn nếp phải chọn nếp mới để có được hạt nếp trắng, mới cho được chiếc bánh trắng đẹp và hương vị thơm lừng. Sau khi rang xong, đem nếp đi xay nhuyễn rồi trộn đều với đường cát trắng và nước cốt dừa thành hỗn hợp hòa tan. Tiếp theo, cho hỗn hợp đã trộn đều vào khuôn làm bánh, nén chặt lạicho đều, sau đó lật ngược chiếc khuôn, gõ nhẹ sẽ ra chiếc bánh in trắng phau, thật đẹp mắt. Mùi thơm của nếp mới, vị béo của nước cốt dừa hòa lẫn với vị ngọt của đường, khi thưởng thức cùng với ly trà nóng thì còn gì bằng.



43.    Bánh Pía - Sóc Trăng

Bánh pía là sản phẩm độc đáo của Sóc Trăng. Thưởng thức vài chiếc bánh  cùng với ngụm trà gừng, buôn đôi ba câu chuyện lại thêm ấm lòng du khách. Về Sóc Trăng thưởng thức hương vị bánh pía ngọt thanh và hương thơm nguyên chất của trái sầu riêng, đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ. Những chiếc bánh màu vàng cam có hình dáng nhỏ, tròn, lớn vừa phải rất tiện lợi, có thể vừa cầm vừa ăn. Không quá bở, mềm, có một độ dẻo vừa phải để khi ngậm vào miệng không tan ngay.



44.    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng -Tây Ninh

Bánh tráng phơi sương là loại bánh tráng đặc sản ở huyện Trảng Bàng - Tây Ninh. Bánh dẻo, có vị mặn, có dạng hình tròn tương tự với các loại bánh tráng khác nhưng có màu trắng đục hơn và lấm tấm những hạt bong bóng nổi trên mặt bánh, có thể sử dụng trực tiếp không cần phải nhúng nước hay nướng giòn. Gạo làm bánh phải là gạo mới, gạo ngon và không được pha trộn. Sau khi xay gạo xong bỏ thêm một lượng muối vừa phải tạo vị mặn cho bánh chứ không thêm đường như các bánh tráng thường khác.



45. Bánh cáy - Thái Bình

Bánh màu trắng ngà, khi ăn có vị ngọt của đường, cay nhẹ của hương gừng, béo bùi, dẻo thơm của nếp và cốm non. Tên gọi của bánh bắt nguồn từ chính hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy). Ngày xưa, bánh cáy được người nông dân làm ra để tiến vua nhà Nguyễn và được vua khen ngợi. Bí quyết làm bánh cáy của người làng Nguyễn thuộc vào công đoạn nhào trộn nguyên liệu và chiên, ép bánh. Làm sao chiếc bánh không quá ngọt, không quá nhạt. Vừa chín, dẻo, không khô cứng. Hương vị bánh hơi cay nồng.



46.    Chè - Thái Nguyên


Chè Thái Nguyên là cái tên  có lẽ ai cũng đều được nghe qua, và cũng rất nhiều người đã được thưởng thức qua đặc sản chè này. Chè thái là giống chè đặc biệt được trộng tại Thái Nguyên, một điều đặc biệt là chỉ có thể trồng giống chè này trên mảnh đất Thái Nguyên mới cho ra chất lượng chè tốt nhất., có lẽ là do Thái Nguyên đã được thiên nhiên ban cho một đặc ân tuyệt vời đó là vị trí địa lý nằm dưới chân núi Tam Đảo, khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn nước tinh khiết từ núi cao chảy xuống.


 
47.    Chè lam Phủ Quảng - Thanh Hóa

Chè Lam Phủ Quảng thơm ngon vì cái vị giòn giòn độc đáo tan ra ngay trên đầu lưỡi.
Gạo nếp được xay nhuyễn bằng cối đá bắc, một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát... tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía sánh óng ngọt lừ đang bắt lửa sôi như say trên chảo gang. Cầm trên tay thanh Chè Lam mỏng mảnh phủ ngoài lớp áo bột trắng phau, ta chẳng còn phân biệt được đâu là cái ngọt thanh của nếp cái hoa vàng, đâu là vị ngọt sắc của lóng mía Kim Tân. Đã có chè lam thì không thể thiếu ấm nước trà xanh hay trà tàu.



 
48.    Mè Xửng - Huế


Mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của Huế, giống như cơm hến, bánh bèo, tôm chua… Thấy trong hành lý của ai đó, có gói mè xửng tức là người đó vừa ở Huế về. Người Huế vào Sài Gòn hoặc ra Hà Nội, hay ra nước ngoài ai cũng mang theo mấy chục gói mè xửng làm quà cho người thân, bạn bè.



49.    Tôm chua - TT Huế

Tôm chua là một món ăn bình dị của người dân xứ Huế. Cái vị chua thanh của tôm, cay nồng của các loại gia vị làm cho ai đã một lần thưởng thức thì không thể quên được hương vị mộc mạc của món ăn. Trong ẩm thực xứ Huế, tôm chua là món ăn dân dã nhưng được rất nhiều người ưa thích. Tôm chua không sử dụng loại tôm biển to, mập, người ta bắt những con tôm nước ngọt, tôm sông, tôm đồng, tôm đất. Tôm không quá to, không quá nhỏ, sàn sàn nhau để được ngấm đều gia vị và làm cho hũ tôm thêm đẹp.



50.    Chè Shan tuyết Suối Giàng - Yên Bái

Nằm trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, khí hậu của Suối Giàng tương tự như Sa Pa, Đà Lạt. Du khách đến đây có thể trèo lên những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, hái những búp chè xanh non. Ngay từ những năm 60, thống kê có tới gần 40.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ có từ 200 tuổi, đến 300 tuổi, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Giống chè Shan tuyết càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá càng xanh ngắt  một vẻ đẹp tự nhiên là điều thích thú cho những ai ham thích tự nhiên.