Những địa danh nổi tiếng xuất hiện trên mẫu hộ chiếu mới

13-07-2022

Các biểu tượng du lịch và địa danh nổi tiếng như: Khuê Văn Các, vịnh Hạ Long, đỉnh Fansipan, kinh thành Huế ... được in trong hộ chiếu mới để quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới được áp dụng từ 1/7. Các thủ tục cấp, đổi vẫn giữ nguyên như hộ chiếu cũ. Hộ chiếu vẫn giữ nguyên kích thước, chiều ngang 8,8cm, dài 12,5cm và dày khoảng 0,75cm. Những trang bên trong của hộ chiếu mới cũng có một số thay đổi.

Mẫu hộ chiếu mới được thay bìa thành màu xanh tím. (Ảnh: dulichvietnam)

Thay đổi lớn nhất là mỗi trang đều có hình ảnh phong cảnh là các biểu tượng du lịch của Việt Nam. Những địa danh nổi tiếng xuất hiện trong hộ chiếu mới và các di sản văn hoá nổi tiếng, hình tượng về chủ quyền quốc gia như: vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, bến Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Đổi mới này góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.

Hình ảnh Khuê Văn Các xuất hiện trên hộ chiếu mới.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Mỗi địa danh chiếm hai mặt trang. Trong ảnh trên là Khuê Văn Các, nằm trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là một công trình nhỏ nhưng có kiến trúc đặc sắc mang âm hưởng của triều Nguyễn. Khuê Văn Các là biểu tượng của thủ đô Hà Nội, xuất hiện trên biển tên đường phố của nội đô.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)

Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh là địa danh tiếp theo xuất hiện trong hộ chiếu mới. Nơi đây có hơn 1.600 đảo đá vôi lớn nhỏ với đủ hình thù nằm rải rác, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ. (Ảnh: Shutterstock/Andy Tran)

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới bởi hàng nghìn hòn đảo kỳ vĩ và sống động. Là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu, nơi đây mang vẻ đẹp mê hoặc của những đỉnh núi đá vôi được bao bọc bởi vùng biển xanh ngát.

Đền Hùng (Phú Thọ)

Đền Hùng được xây vào thế kỷ 15, là khu di tích quần thể thờ cúng với kiến trúc thâm nghiêm.(Ảnh: VOV)

Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) là quần thể di tích đền chùa, thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất, nằm từ chân đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 m, bao quanh là khu rừng cấm linh thiêng. Đây cũng là điểm hành hương quen thuộc của nhiều người con đất Việt.

Kinh thành Huế 

Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Đây còn được gọi là cố đô do từng là kinh đô của Việt Nam dưới triều Nguyễn từ 1805 đến 1945.

Kinh thành Huế (Ảnh: Võ Thạnh)

Kinh thành được xây dựng trên một diện tích hơn 500 ha trong ba vòng thành theo thứ tự Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Vua Gia Long cho xây kinh thành từ năm 1805, đến năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng mới hoàn thành.

Phố cổ Hội An (Quảng Nam)

Phố cổ Hội An là một cái nôi văn hoá, lịch sử với nét đẹp cổ kính và thơ mộng. (Ảnh: Hoàng Hà)

Phố cổ Hội An là địa danh nổi tiếng xuất hiện trong hộ chiếu mới không thể thiếu. Hội An thu hút khách trong và ngoài nước do giữ được nét hoài cổ với những căn nhà cổ, mái ngói, sơn màu vàng nghệ, bên cạnh sông Hoài lung linh mỗi tối khi mọi người cùng nhau thả hoa đăng. Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.

Thánh địa Mỹ Sơn

Du khách có thể đến đây để hành hương và tham quan những công trình kiến trúc cổ. (Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng)

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam là Di sản Văn hoá Thế giới từ năm 1999. Địa danh cách Đà Nẵng 70 km và Hội An 40 km. Đây là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chăm Pa thời xưa. Kết cấu mỗi cụm gồm đền thờ chính, bao quanh là tháp nhỏ. Trong đó đền chính tượng trưng cho núi Meru, trung tâm của vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva.

Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)

Cột cờ Lũng Cú là điểm đánh dấu cực Bắc của Việt Nam và mang ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia.(Ảnh: Jimmy Tran/Shutterstock)

Cột cờ Lũng Cú là biểu tượng cực Bắc của Việt Nam, có lá cờ cao 9 m. Hình ảnh cột cờ cũng xuất hiện trong trang số 9 của cuốn hộ chiếu mới. Nơi đây có độ cao khoảng 1.470 m so với mặt nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Cột cách cực Bắc khoảng 3,3 km. Nơi đây được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội nhưng kích thước nhỏ hơn.

Đỉnh Fansipan (Lào Cai)

Đỉnh Fansipan thuộc Lào Cai, cách thị xã Sa Pa khoảng 9 km, xuất hiện trên hộ chiếu cùng với hình ảnh cột mốc, thể hiện sự hùng vĩ của nóc nhà Đông Dương. (Ảnh: Tô Bá Hiếu, Lê Việt Khánh)

Đỉnh núi Fansipan cao 3.143 m, được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương", quanh năm mây mù sương gió với nền nhiệt trung bình chỉ khoảng 10 độ C. Vào lúc nắng đẹp, ít mây, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên kỳ vĩ ngay trước tầm mắt mình.

Cổng Tò Vò (Lý Sơn)

Biểu tượng du lịch không thể không nhắc khi tới Lý Sơn, Quảng Ngãi là Cổng Tò Vò ở phía đông đảo. Đây là một cổng đá, cao hơn 2 m nằm ngay sát biển.

Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ, không có sự tác động của con người. (Ảnh: Trung Nghĩa)

Người dân cho rằng, nham thạch phun trào từ núi lửa cách đây 2 triệu năm trước bị đông cứng khi gặp nước biển, đã tạo thành cổng vòm với hình dạng đặc biệt này. Xung quanh là bãi đá nham thạch đen. Thời điểm đẹp nhất để đến cổng Tò Vò vào hoàng hôn, khi mặt trời dần khuất sau đường chân trời và những tia nắng le lói qua khe đá.

 

 

Nguồn: https://hanoitv.vn/dia-dang-noi-tieng-xuat-hien-tren-mau-ho-chieu-moi-d202712.html


Theo Mai Phương - Hanoitv.vn