Top 10 Khu di tích Việt Nam có giá trị lịch sử được nhiều người biết đến (P.9): Khu Di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi (TP.HCM)

18-11-2016

(Vietkings) - Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.

 

 

Địa đạo Củ Chi là một địa danh lịch sử có một không hai trên đất nước Việt Nam. Địa đạo Củ Chi gồm 2 cụm: một ở Bến Dược, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng và một ở Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, cách trung tâm T.P Hồ Chí Minh 75km về phía tây bắc.

 

 

Chỉ với cái cuốc, cái xẻng, cái ki xúc đất bằng tre, quân và dân Củ Chi đã đào hơn 200km đường ngầm dọc ngang, chằng chịt, kết cầu nhiều tầng dưới lòng đất. Công trình quân sự, chiến lược này là một công trình kiến trúc độc đáo được thi công từ thời kháng chiến chống Pháp năm 1948 (chỉ 17 km đường hầm) và đến đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, những người yêu nước ở Củ Chi đã đào thêm gấp hơn 10 lần (trên 200km). Trong cuộc chiến tranh vừa qua, vùng địa đạo Củ Chi đã nhiều lần khiến quân Mỹ và quân đội Sài Gòn phải "thất điên bát đảo”, tổn thất nặng nề, nhưng chúng không làm sao phá được hệ thống địa đạo liên hoàn, kiên cố, tài tình "thiên biến vạn hóa” của quân dân Củ Chi.

 

 

 

 

Ngày nay, đến với khu di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi, du khách ngoài việc khám phá, trải nghiêm khi cúi người, khom lưng đi một đoạn đường hầm ngắn dưới địa đạo, sau đó tham quan vùng tái hiện làng mạc thôn xóm ở Củ Chi trong thời chiến tranh, hoặc đến Đền thờ Bến Dựoc đốt nén hương thơm tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này.

Sau năm 1975, đã có hàng triệu, triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan khu di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia các nước phương Tây và châu Mỹ La tinh.


Vietkings (tổng hợp) - Nguồn hình internet