Top 10 sự kiện của Kỷ lục Việt Nam năm 2013

20-12-2013

Kỷ lục Vietkings - Top 10 sự kiện của Kỷ lục Việt Nam năm 2013 được lựa chọn trong 50 sự kiện do cộng đồng kỷ lục gia Việt Nam thực hiện với mục tiêu tiếp tục hành trình tìm kiếm những giá trị của Việt Nam và quảng bá hình ảnh Việt Nam rộng rãi trong nước và quốc tế.


1. Hội Kỷ lục gia Việt Nam chính thức được Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập vào ngày 23.08.2013 và Đại hội Hội Kỷ lục gia nhiệm kỳ I (2013-2018) được tổ chức thành công vào ngày 16.11.2013 tại Tp.HCM, thời gian dự kiến lễ ra mắt Hội vào ngày 04.04.2014 nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. 

  • Từ tháng 01.2013 đến tháng 8.2013, Ban Vận động thành lập Hội Kỷ lục gia Việt Nam do Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng ban đã xúc tiến các công việc để thành lập Hội. Ngày 23.8.2013, Bộ Nội vụ đã ký Quyết định cho phép thành lập Hội Kỷ lục gia Việt Nam trên cơ sở pháp lý một Hội tự nguyện, hoạt động về lĩnh vực kỷ lục nhằm mục đích quảng bá hình ảnh, văn hóa…, những nét đẹp của con người và đất nước Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Đây là một Quyết định đáp ứng với nguyện vọng và lòng mong muốn của hầu hết kỷ lục gia trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam.


Ông Nguyễn Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi Chính phủ -  Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hội cho ông Thang Văn Phúc - Trưởng ban vận động thành lập Hội Kỷ lục gia Việt Nam.
  • Vào ngày 16.11.2013, Đại hội Hội Kỷ lục gia Việt Nam nhiệm kỳ I (2013 – 2018) được tổ chức thành công tại Khách sạn Rex (TP.HCM). Đại hội đã nhất trí thông qua 100% dự thảo Điều lệ và Phương hướng hoạt động của Hội, nhất trí 100% nhân sự của Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ I gồm 29 thành viên. Ban Chấp hành đã bầu Ông Thang Văn Phúc giữ chức Chủ tịch, Ông Lê Trần Trường An giữ chức Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội, 03 Phó Chủ tịch khác là ông Nguyễn Hữu Oanh, ông Trần Chiến Thắng và Luật sư Nguyễn Văn Viễn và 04 ủy viên Thường vụ Hội là Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, ông Nguyễn Mạnh Quý, ông Trần Hoàng và ông Dương Duy Lâm Viên.


Ban chấp hành Hội Kỷ lục gia Việt Nam nhiệm kỳ I (2013 – 2018)
2. Lần đầu tiên Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO, Tổng Cục Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc tổ chức Cuộc thi sáng chế 2013.

  • Vào sáng thứ sáu, ngày 16.8.2013, tại Khách sạn Kim Đô (Quận 1, TP.HCM) đã diễn ra Lễ công bố Cuộc thi Sáng chế năm 2013 do Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) tổ chức với mục đích khuyến khích và tưởng thưởng cho các kết quả sáng tạo công nghệ, đặc biệt là các giải pháp kỹ thuật giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống hàng ngày và phù hợp với điều kiện của người dân địa phương. Sau gần 3 tháng phát động, Cuộc thi sáng chế năm 2013 đã tiếp nhận 146 giải pháp kỹ thuật từ các cá nhân, tổ chức ở khắp các tỉnh thành phía Nam tham gia cuộc thi. Sau vòng sơ khảo, Cuộc thi Sáng chế năm 2013 đã lựa chọn 15 giải pháp sáng chế xuất sắc nhất lọt vào vòng chung khảo.
  • Tối ngày 09.11.2013, lễ trao giải Cuộc thi sáng chế năm 2013 diễn ra tại Khách sạn Grand – TP.HCM. Giải nhất và phần thưởng 100 triệu đồng thuộc về sáng chế "Máy gặt đập lúa” của ông Phạm Hoàng Thắng (Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng - TP Cần Thơ). Cùng đó là một giải nhì trị giá 50 triệu đồng, một giải ba trị giá 30 triệu đồng, 2 giải thưởng đặc biệt là giải sáng chế vì môi trường và giải thưởng vinh danh 12 nhà sáng chế ứng dụng sáng chế thành công vào đời sống.


15 giải pháp tiêu biểu lọt vào vòng chung khảo

 3.    Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức kết nối với Trường Đại học Kỷ lục Thế giới gửi hồ sơ đề cử các giá trị nội dung kỷ lục và có 06 kỷ lục gia Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Kỷ lục Thế giới và tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục thế giới về sách độc bản Thi vân Yên Tử tại Thiền viện Trúc lâm Yên Tử. 

  • Đầu tháng 6.2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã lựa chọn và thiết lập 12 hồ sơ Giá trị nội dung kỷ lục của 12 kỷ lục gia Việt Nam đề cử đến Đại học Kỷ lục Thế giới. Sau một thời gian thẩm định, xét duyệt, Hội đồng Khoa học của Đại học Kỷ lục Thế giới đã chính thức công nhận 6 bằng Tiến sĩ danh dự Đại học Kỷ lục Thế giới đến 6 kỷ lục gia Việt Nam và châu Á; 5  bằng Tiến sĩ danh dự khác đến 5 kỷ lục gia Ấn Độ và thế giới trong năm 2013. Trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 26 được tổ chức ngày 21.9.2013, tại Khách sạn Rex (TPHCM), ông Thomas Bains - Hiệu trưởng Đại học Kỷ lục Thế giới đã trao bằng Tiến sĩ danh dự đến các kỷ lục gia Việt Nam và các kỷ lục gia Ấn Độ.

Những Tiến sĩ danh dự Đại học Kỷ lục thế giới đầu tiên của Việt Nam

  • 6 kỷ lục gia Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Kỷ lục Thế giới
  1. Nhà sử học, KLG Nguyễn Khắc Thuần - "Công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện và Công trình lớn nhất về lịch sử văn hóa Việt Nam do một người biên soạn”
  2. Nhà nghiên cứu võ học, KLG Phạm Đình Phong - "Cuốn sách viết về Lịch sử Võ học Việt Nam đầu tiên"
  3. Nhà nghiên cứu văn hóa Phật giáo, KLG Võ Văn Tường - "Người chụp ảnh, viết sách và triễn lãm hình ảnh chùa Việt Nam nhiều nhất"
  4. Nhà soạn nhạc, KLG Lê Văn Tuấn - "Quyển sách âm nhạc CROR độc đáo và sáng tạo”
  5. NSƯT, đạo diễn, KLG Nguyễn Văn Lượng - "Đạo diễn có số lượng phim truyền hình về đề tài đất nước, con người miền biển đảo nhiều nhất".
  6. Anh hùng Lao động, KLG Hoàng Đức Thảo - "Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học công nghệ trên thế giới".
  • Sáng 22-9-2013, tại Thiền viện Trúc Lâm Yên tử (TP Uông Bí - Quảng Ninh) cũng đã long trọng diễn ra buổi Lễ đón nhận Bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục quyển sách độc bản "Thi Vân Yên Tử” do Đại học Kỷ lục thế giới trao tặng.
4. Mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức ký kết hợp tác với Hiệp hội Kỷ lục Thế giới và các tổ chức kỷ lục các quốc gia như: Ukraine, Thái Lan, Singapore, Indonesia …

Nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và bổ sung những định hướng phát triển mới của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, góp phần quảng bá rộng rãi các đơn vị sở hữu và các kỷ lục gia Việt Nam đến các tổ chức kỷ lục khác trên thế giới và mang lại sự phong phú trong việc giới thiệu thông tin kỷ lục đến độc giả, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chủ động đề nghị hợp tác với một số Tổ chức Kỷ lục trên thế giới. Điều này góp phần gắn kết các Tổ chức Kỷ lục trên thế giới để trao đổi, chia sẻ thông tin và học tập kinh nghiệm. Ngày 11.11.2013, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới chính thức có văn bản đồng ý hợp tác vô thời hạn với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trên một số lĩnh vực. Theo đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức trở thành một thành viên liên kết của Hiệp hội và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có quyền đề cử kỷ lục đến Hiệp hội Kỷ lục Thế giới.



Hợp tác trao đổi thông tin về kỷ lục giữa Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Ukraine

5. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiếp tục triển khai Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam lần thứ hai – 2013 và có 8 đặc sản quà tặng Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận Đặc sản quà tặng Châu Á lần thứ nhất – 2013 theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản quà tặng Châu Á.

  • Tiếp nối Hành trình quảng bá món ăn đặc sản của Việt Nam năm 2012, với 12 món ăn đặc sản Việt Nam đạt giá trị châu Á, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiếp tục triển khai Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam lần thứ hai – 2013. Nhận biết được tầm quan trọng của đặc sản quà tặng Việt Nam, cùng những hiệu ứng mà Hành trình mang lại, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiếp tục tiến hành đề cử những đặc sản quà tặng Việt Nam trong Hành trình tìm kiếm quảng bá đặc sản quà tặng Việt Nam đợt 1-2013 ra châu Á. Đây là những đặc sản quà tặng có sự độc đáo riêng biệt của các vùng miền của Việt Nam được so sánh đối chiếu với các đặc sản quà tặng của các quốc gia trong toàn châu Á.
  • Vào lúc 15h thứ ba ngày 29.10.2013, văn phòng Tổ chức Kỷ lục châu Á tại thành phố Faridabad, bang Haryana và thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã gửi văn bản chính thức xác lập 8 kỷ lục châu Á mới của Việt Nam, đây là những kỷ lục châu Á đầu tiên về đặc sản quà tặng của Việt Nam từ khắp vùng miền trên cả nước. Với 8 Kỷ lục châu Á mới về đặc sản quà tặng, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức đề cử thành công tổng cộng 47 kỷ lục đạt kỷ lục châu Á.
Đặc sản Sâm Ngọc Linh đạt giá trị quà tặng đặc sản Châu Á lần 1-2013
  • Danh sách 8 kỷ lục châu Á mới của Việt Nam về đặc sản quà tặng, bao gồm:
  1. Bánh đậu xanh Hải Dương (tỉnh Hải Dương)
  2. Chè Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên)
  3. Quế Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi)
  4. Sâm Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum)
  5. Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk)
  6. Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh)
  7. Bánh phồng sữa dừa (tỉnh Bến Tre)
  8. Tiêu Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)
6. Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Đông Dương chính thức được thành lập gồm các thành viên của ba quốc gia Việt Nam – Lào – Campuchia để chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2014. 
  • Nhận lời mời của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào và Bộ Du lịch Campuchia, đoàn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã lên đường sang hai quốc gia Campuchia và Lào để thăm và làm việc từ ngày 14, 15, 16 và 17 tháng 10 năm 2013. Kết thúc các buổi làm việc, lãnh đạo hai nước Lào và Campuchia nhất trí cao về việc tham gia Hội đồng Sáng lập kỷ lục Đông Dương nhằm mục đích tìm kiếm những giá trị kỷ lục tại các quốc gia Đông Dương.

    Đoàn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam làm việc với Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia




Đoàn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam làm việc với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào
  • Sau khi làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch hai nước Campuchia, Lào, đoàn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiếp tục làm việc với các thành viên trong Hội đồng Xác lập Kỷ lục Đông Dương hai nước Campuchia và Lào về những vấn đề như Lễ ra mắt Tổ chức Kỷ lục Đông Dương tại Việt Nam; mở Chi nhánh Trung tâm Sách kỷ lục Đông Dương tại Campuchia và Lào; gút lại danh sách Hội đồng Xác lập kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Đông Dương; lên kế hoạch liên kết hoạt động của Tổ chức Kỷ lục Đông Dương trong thời gian tới cũng như lên kế hoạch tổ chức Hội ngộ Kỷ lục gia Đông Dương hàng năm luân phiên tại ba nước.
  • Theo đó, Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Đông Dương đã được thống nhất gồm 17 thành viên như sau: (danh sách tổng hợp đến tháng 10.2013, được sắp xếp theo tên thứ tự A, B, C)
  1. Ông Lê Trần Trường An – Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tổ chức Kỷ lục Đông Dương.
  2. Ths.Trịnh Thúc Huỳnh – nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Đông Dương.
  3. TS.Vũ Mạnh Chu – nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả
  4. TS.Vũ Khắc Chương – Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT và Du lịch Sài Gòn
  5. TS.Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
  6. Ông Siviengkhek Konyvong – Cục trưởng Cục Xuất bản và Thư viện – Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào   
  7. Ông Munkeo – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào
  8. Ông Nguyễn Hữu Oanh – nguyên Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ
  9. Ông Poue Piseth – Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông Campuchia
  10. Ông Phạm Đình Phong – Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền VN
  11. Ông Bunnam Phongbuaphuong – Viện Nghiên cứu Văn hóa Lào
  12. TS.Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam
  13. Ông Nguyễn Mạnh Quý – Trưởng Đại diện Cục Bản quyền tác giả phía Nam
  14. Ông Hun Sarin – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Campuchia
  15. Ông Khamphan Sithilak – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Lào
  16. Ông Hoàng Đức Thảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam
  17. Ông Hun Virak – Phó Tổng Cục trưởng Cục Thông tin và Truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông Campuchia
7. Lần đầu tiên công bố các kỷ lục Việt Nam nhân ngày Sách và Bản quyền thế giới (ngày 23.04.2013). Nhằm tôn vinh giá trị mà sách mang lại cho nhân loại, cũng như tôn vinh và bảo hộ sự sáng tạo của các tác giả, ngày 23.4 hàng năm là "Ngày đọc sách và bản quyền thế giới". Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trong vòng 9 năm qua đã công bố gần 100 kỷ lục liên quan về sách và bản quyền.


THÁI HÀ BOOKS - Công ty sách đầu tiên khởi xướng và liên tục triển khai
Tết sách 23/4 tại Việt Nam

  • Nhân ngày 23.04.2013, Tổ chức kỷ lục Việt Nam chính thức công bố 15 kỷ lục liên quan về sách và bản quyền với mục đích tôn vinh những cá nhân, đơn vị có những đóng góp to lớn cho ngành xuất bản phẩm, và bản quyền tác giả. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích đọc sách, thông qua đó tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm và đóng góp một phần nhỏ thúc đẩy ngành xuất bản phẩm phát triển. Chương trình công bố những kỷ lục về sách và bản quyền tác giả này sẽ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiến hành thường niên vào dịp 23.04 (Ngày đọc sách và bản quyền thế giới).
  • Danh sách 15 kỷ lục về sách và bản quyền công bố năm 2013 gồm:
  1. Xuất bản Bộ sách điện tử đa phương tiện đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT
  2. Nhà xuất bản đầu tiên xuất bản Bộ sách ảnh 54 dân tộc Việt Nam – NXB THÔNG TẤN
  3. Công ty sách đầu tiên khởi xướng và liên tục triển khai Tết sách 23/4 tại Việt Nam - THÁI HÀ BOOKS
  4. Bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn được dịch và chú giải tiếng Việt có số lượng trang nhiều nhất - CÔNG TY TNHH TM & DV VĂN HÓA HƯƠNG TRANG
  5. Doanh nghiệp có hệ thống nhà sách nhiều nhất - FAHASA (Phá kỷ lục)
  6. Cuốn sách viết về quốc hiệu, cương vực và tập hợp số lượng bản đồ cổ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN nhiều nhất - NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
  7. Người viết sách Lịch sử Võ học Việt Nam đầu tiên - VÕ SƯ PHẠM ĐÌNH PHONG
  8. "Sự hồi sinh trong tuyệt vọng” – cuốn sách tập hợp nhiều bài viết tự truyện của các Tù nhân, Trại viên trên khắp cả nước -TỔNG CỤC VIII – BỘ CÔNG AN
  9. Tuyển tập thơ song ngữ sáng tác bằng tiếng Tày – Kinh (Việt) đầu tiên và dày nhất Việt Nam - NHÀ THƠ DƯƠNG THUẤN
  10. Đơn vị liên kết xuất bản những bộ sách về sức mạnh ý chí con người nhiều nhất - CÔNG TY TNHH VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT – FIRST NEWS
  11. Tác giả biên soạn quyển đại từ điển Hàn – Việt đầu tiên - ÔNG LÊ HUY KHOA
  12. Tiểu thuyết trữ tình toàn chữ T nhan đề: "Truyện thầy Tổng Thánh Tađêô Trần Trung Thành” - ÔNG NGUYỄN NGỌC PHI
  13. Nhà văn đầu tiên viết về đề tài Đồng tính - NHÀ VĂN BÙI ANH TẤN
  14. Bộ sách Hỏi – Đáp về kỹ năng sống có số lượng câu hỏi và trả lời nhiều nhất – NHÀ TÂM LÝ - LÝ THỊ MAI
  15. Sách tuyển chọn nhiều ca khúc nhất viết về Hà Nội - ÔNG NGUYỄN THỤY KHA
8. Chính thức biên soạn Từ điển Tổ nghề - Nhà sáng nghiệp Việt Nam và thế giới trong Hành trình tìm kiếm Tổ nghề và các nhà sáng nghiệp Việt Nam và thế giới
  • Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam được sự hỗ trợ của Trung Tâm Xuất Bản thuộc Tổ chức Kỷ lục Châu Á, Hiệp hội Kỷ lục Thế Giới, Phòng Dự án của Đại học Kỷ lục Thế Giới, Phòng Xuất bản của Tổ chức Kỷ Lục Đông Dương hợp lực cùng tổ chức và thực hiện công trình biên soạn cuốn "TỪ ĐIỂN TỔ NGHỀ - NHÀ SÁNG NGHIỆP VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI”.

    Trang bìa dự kiến của cuốn Từ điển Tổ nghề - Nhà sáng nghiệp Việt Nam và Thế giới (2013 -2016)
  • Cuốn từ điển sẽ được thực hiện dưới dạng 2 ấn bản trên 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, phát hành tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Lần đầu tiên tại Việt Nam có một từ điển hệ thống các thông tin, hình ảnh, tóm tắt lịch sử hình thành của gần 500 tổ nghề của Việt Nam và Thế giới cùng với hơn 50,000 thông tin về nhà sáng nghiệp của những tổ chức giáo dục, xã hội và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công trình xuất bản này dự kiến được xuất bản và phát hành vào cuối năm 2016.
9. Chính thức biên soạn 04 ấn phẩm quan trọng lưu giữ các giá trị nội dung của các Hành trình quảng bá những giá trị Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam triển khai trong thời gian qua.   
  • Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Ban biên tập của Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã tiến hành biên soạn 04 (bốn) ấn phẩm lưu giữ các giá trị nội dung của các Hành trình quảng bá những giá trị Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam triển khai trong thời gian qua, các ấn phẩm sẽ được phát hành trong năm 2014.




  1. Ấn phẩm 1001 Điểm đến hấp dẫn Việt Nam trong Hành trình quảng bá những điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam.
  2. Ấn phẩm Việt Nam – Bếp ăn của thế giới trong Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam
  3. Ấn phẩm Những ngôi chùa nổi tiếng sở hữu kỷ lục Việt Nam trong Hành trình tìm kiếm những kỷ lục Phật giáo Việt Nam
  4. Ấn phẩm 1001 bộ sưu tập đặc sắc Việt Nam trong Hành trình tìm kiếm những bộ sưu tập đặc sắc Việt Nam.  
10. Năm 2013, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức lễ hội, sự kiện gắn kết với việc công bố, xác lập các kỷ lục về ẩm thực, đặc sản của địa phương như: Tp.Hà Nội, TP.HCM, Tp.Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bến Tre, Sóc Trăng...  

  • Năm 2013, các địa phương Tp.Hà Nội, TP.HCM, Tp.Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bến Tre, Sóc Trăng đã kết hợp việc tổ chức các sự kiện, lễ hội với quy mô cấp tỉnh và quốc gia đã gắn kết việc công bố xác lập các kỷ lục liên quan đến ẩm thực, đặc sản của địa phương.
  1. Vào lúc 19h30 ngày 8.10.2013, nhân dịp Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Cung Thể thao Quần ngựa Hà Nội đã diễn ra Lễ trao bằng xác lập Kỷ lục Châu Á các đặc sản Phở Hà Nội, bún chà Hà Nội, bún thang Hà Nội đến Tp.Hà Nội.
  2. Tối ngày 09.11.2013, trong lễ khai mạc Festival Trà Thái Nguyên Việt Nam lần thứ hai năm 2013, đại diện Tổ chức Kỷ lục Châu Á tại Việt Nam đã trao bằng công nhận kỷ lục châu Á về đặc sản quà tặng Chè Thái Nguyên. Tối 11.11.2013, trong lễ bế mạc Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 2 năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục "Trà Thái Nguyên – Thương hiệu trà được nhiều người biết đến nhất" đến Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
  3. Vào lúc 18h30 ngày 22.11.2013, trong sự kiện Tuần Văn hóa Du lịch Di sản Xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 02 phố Hoa Lư, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, tp.Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao bằng xác lập món ăn đặc sản Bún bò Huế đạt kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục Châu Á đến tỉnh Thừa Thiên Huế.
  4. Nhân dịp Festival Đua ghe ngo lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 16.11.2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập 03 kỷ lục Việt Nam về 03 đặc sản của tỉnh Sóc Trăng là: bánh Pía, Bánh In nhân và đĩa Cốm dẹp lớn nhất do Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Bánh Pía – Lạp xưởng Tân Huê Viên thực hiện.  
  5. Tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V – 2013 diễn ra từ ngày 21.06.2013 đến 26.06.2013, đại diện Tổ chức Kỷ lục Châu Á tại Việt Nam đã trao bằng công nhận kỷ lục châu Á về món ăn đặc sản Mì Quảng  
  6. Tại Liên hoan ẩm thực Đồng Nai lần thứ ba -2013 từ ngày 12.12.2013 đến ngày 15.12.2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập TOP Đặc sản Bưởi Tân Triều và chôm chôm Long Khánh đến tỉnh Đồng Nai, hai đặc sản trái cây này được công bố trong TOP 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.
...v..v

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM
Giới thiệu và công bố thông tin
Tháng 12/2013