Top 10 tháp và cụm tháp cổ nổi tiếng Việt Nam thu hút du khách (P.4): Quần thể Tháp Chăm - Bình Định

14-10-2016

(Vietkings) - Đến với quê hương đất võ Bình Định du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử của vùng “đất võ trời văn”, về vị Anh hùng áo vải Quang Trung, mà du khách còn được khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, huyền bí và mang giá trị nghệ thuật cao của những cụm tháp Chăm.

Tháp Chăm, hay còn gọi là tháp Chàm, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm), sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay.

Các tháp Chăm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.

 

Tháp Dương Long:

 

 

Thuộc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách Quy Nhơn khoảng 50km, tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Tháp là một quần thể gồm 3 tháp. Tháp giữa cao 40m, hai tháp 2 bên cao 38m. Phần thân tháp được xây bằng gạch, các góc được ghép bằng những tảng đá lớn và trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng Đông và được nâng lên khá cao khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Những chi tiết được trang trí ở đây đều rất lớn, chạm trổ trên sa thạch với những đường nét rõ ràng và còn giữ được lâu. Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tinh xảo, các đường nét vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, các họa tiết trang trí sống động, tháp được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980.

 

Tháp Bánh Ít:

 

 

Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc, thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn 20km. Trên đỉnh quả đồi giữa 2 nhánh của sông Côn là Tân An và cầu Gành, bên quốc lộ 1A, cách Quy Nhơn khoảng 20km. Tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, tháp chính cao 22m, trông xa giống như chiếc bánh ít. Tháp có cửa chính quay về hướng Đông. Vòm cửa được tạo dáng mũi lao hai lớp thu nhỏ về phía trên với các hoa văn hình xoắn nối kết nhau.

Cửa chính còn được trang trí bằng một hình phù điêu tạc hình Ganesa, hình Haruman. Ba cửa giả quay các hướng còn lại đều mô phỏng cấu trúc và trang trí của cửa chính. Tháp được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1982.

 

Tháp Cánh Tiên:

 

 

Tháp Cánh Tiên còn có tên gọi là tháp Đồng, được xây dựng bên thành Đồ Bàn, xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn vào khoảng thế kỷ 12. Điểm đặc biệt của tháp Cánh Tiên là phần phía trong các cột ốp tường được ốp kín bằng các phiến đá sa thạch màu tím có chạm khắc hoa văn dây xoắn. Ngôi tháp được tạo dáng thanh thoát nhưng trang nghiêm và đẹp với phong cách xây dựng bài trí văn hóa Chăm. Tháp có 4 tầng thu nhỏ về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay, từ vai tháp trở lên bốn phía đều giống như cánh tiên đang bay lên nên được gọi là tháp Cánh Tiên. Tháp được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1982.

 

Tháp Đôi:

 

 

Thuộc địa phận phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, cách trung tâm thành phố 3 km. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13. Tháp được trùng tu năm 1996. Tháp Đôi còn được gọi là tháp Hưng Thạnh, gồm 2 tháp, một tháp cao 18 m và một tháp cao 20m. Tháp đôi được gọi là "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Cả hai tháp không phải là tháp vuông nhiều tầng thường thấy của tháp Chăm mà là một cấu trúc gồm 2 phần chính: Khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thần Garuda hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ tháp. Tháp Đôi ảnh hưởng nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ giáo. Tháp được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1980


Vietkings (tổng hợp) - Nguồn hình internet