Cơm được nấu từ gạo nếp hương, hạt nào hạt nấy tròn mẩy, khi nấu sử dụng bếp gang và điều chỉnh lửa thích hợp để cơm cháy đều ở đáy. Phần cơm cháy này được phơi hai ba lượt nắng rồi mới mang chiên trước khi ăn. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị bùi, béo mà không ngán. Cơm cháy, thoạt nghe đã thấy đơn sơ và giản dị, nhưng các công đoạn chế biến lại không hề đơn giản. Tất cả đều được làm thủ công và theo bí quyết gia truyền riêng. Gạo vo sạch, cho vào nồi và nấu chín. Gạo để nấu cơm được lựa chọn kỹ càng từ những loại gạo dẻo, đặc biệt là gạo tám thơm Hải Hậu (Nam Định). Nồi nấu được chọn từ những nồi gang đáy dày.
Khi cơm chín, nhanh tay xới cơm ra chỉ để lại phần cháy sém dưới đáy nồi. Lúc này vẫn tiếp tục để lửa nhưng phải thường xuyên xoay nồi cơm cho chín đều. Lóc lấy phần cơm cháy, bẻ miếng vừa lớn gần bằng bàn tay và đem phơi khô. Khi ăn, miếng cơm cháy chiên trên chảo dầu vàng rộm, đậm đà và giòn tan. Món cơm cháy có thể chấm nước tương, ăn kèm hành phi, hoặc ruốc tùy theo khẩu vị của từng người.
Cơm cháy Ninh Bình khác với các vùng khác từ cách chiên cho đến nước sốt đi kèm.
Nước xốt ăn kèm cơm cháy thường có vị cay, thơm, đủ độ sánh để ngấm vào miếng cháy. Mỗi gia đình, cửa hàng ở Ninh Bình đều có cách làm và bí quyết nấu nước xốt tạo nên hương vị riêng biệt. Cơm cháy còn được thưởng thức kèm với thịt dê hoặc tim cật xào hành tây.
Ngày nay, món ăn này rất phổ biến và được đóng gói, tiện mua làm quà. Đơn sơ giản dị là thế nhưng cơm cháy làm xao xuyến bất cứ thực khách nào khi đến Ninh Bình.