Top 100 Lễ hội và sự kiện nổi bật của Việt Nam 2022 ( P. 45) Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (Hà Nội) – Lan tỏa sức sống tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh

09-09-2022

(ky luc – top) Đến Ba Vì – Hà Nội, ngoài tham quan du lịch, khách thập phương còn được chiêm bái các di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều lễ hội mang đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu là lễ hội Tản Viên Sơn Thánh.

 

Tản Viên Sơn Thánh, hay còn được người đời biết đến dưới cái tên Sơn Tinh ( gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh). Ông là vị thần cai quản núi Ba Vì (Tản Viên), cũng chính vì thế mà có tên là Tản Viên Sơn Thánh. Ông được xem là hàng đệ nhất trong 4 vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, bên cạnh Thánh Gióng, Chữ Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên). Trong dân gian cũng có tương truyền rằng ông là một trong 50 người con của Âu Cơ theo mẹ lên núi.

Tuy nhiên cũng có người cho ra, Sơn Tinh là người có thực, đến từ tầng lớp nghèo khổ, đến năm 15 tuổi mẹ chết, Sơn Tinh được bà Ma Thị Cao Sơn (thần cai quan núi Tản Viên) cư­u mang và giao cho cả một vùng đất rộng lớn từ núi Tản Viên sang Nghĩa Lĩnh. Biết là ng­ười có trí, đức Tiên ông đã ban cho cây gậy “Đầu sinh đầu tử” và thần chú. Nhờ có gậy thiêng, Sơn Tinh đã diệt trừ thú giữ và cứu giúp nhiều ng­ười nên đư­ợc nhân dân tôn là Thần sư­. Sau này, Sơn Tinh tiếp tục cứu sống công tử con vua Thủy Tề và đư­ợc vua Thủy Tề ban cho sách ư­ớc nên đã thắng Thủy Tinh và kết duyên với công chúa Ngọc Hoa, con vua Hùng Vư­ơng thứ 18 (Hùng Duệ Vư­ơng). Nhờ có công dẹp giặc Thục, bình yên đất nước nên đư­ợc nhà vua phong làm Nhạc Phủ Thư­ợng  đẳng thần và đư­ợc nhân dân tôn phong là vị tổ của bách thần, đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngư­ỡng dân gian thờ thần của ng­ười Việt. Đến thời nhà Lý, Ngài lại được phong là “Thượng đẳng tối linh thần” và “Đệ nhất phúc thần”.

Nên hàng năm, tại vùng núi Ba Vì có ba ngôi đền thờ  Đức Thánh Tản Viên là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ thuộc địa phận hai xã Minh Quang và Ba Vì (thuộc Hà Nội). Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức tại cụm di tích này nhằm tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên.

 

 

Đền Thượng trên núi Ba Vì

 

 

Tượng thờ Tản Viên Sơn Thánh

 

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được diễn ra với quy mô lớn. Lễ hội thường tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng (ngày sinh của Đức Thánh), nhưng tùy theo tình hình từng năm mà huyện Ba Vì có thể tổ chức l hội sớm hơn ít ngày. Từ trước ngày chính lễ, đã có nhiều hoạt động văn hóa diễn ra mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Lễ mộc dục (rước nước - khai quang) diễn ra đúng 23 giờ đêm 13 tháng Giêng. Thực hiện nghi lễ là một cặp thiện nam - thiện nữ, có đủ tài sắc, thân nhân tốt đã qua tuyển chọn từ trước. Cùng đi theo tháp tùng là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ.

 

 

Lễ hội được tổ chức kỳ công khi đầu tư chỉnh chu vào trang phục

 

Đoàn người được một chiếc thuyền đưa ra giữa dòng sông Đà trong đêm tối, tiếng chiêng, tiếng kèn xáo động cả một vùng trời nước, sự linh thiêng như xuất hiện, trời đất như giao hòa, thần linh chứng giám. Tục truyền, người nam múc 7 gầu nước, người nữ múc 9 gầu theo quan niệm nam 7 vía, nữ 9 vía. Nước được đem từ giữa dòng sông, dâng lên bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ.

Sau nghi thức tế lễ tại đền Hạ, 5 giờ sáng ngày 14 tháng Giêng - Lễ rước nước thiêng từ đền Hạ được dâng lên đền Trung bắt đầu khởi hành. Cùng với kiệu rước nước thiêng còn có một kiệu lễ chay và một kiệu lễ mặn là các lễ vật dâng cúng thần có lợn, gà, bánh chưng, bánh dày, hương hoa, oản quả. Tiếng chiêng trống nổi lên từ trong đền, lần lượt dòng người đi theo trong tiếng nhạc. Đi đầu là thanh niên trai tráng khênh kiệu, lọng, cờ hoa. Những thanh niên tham gia rước kiệu gọi là giai đô. Kế theo là các cụ bô lão và những người dân có mặt tại đền Hạ. Đoàn rước cứ đi qua thôn nào dân làng thôn đó lại nhập hội, cứ như vậy đoàn người kéo dài tới vài cây số. Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng, cả không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội. Cầu mong Đức Thánh Tản Viên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để nhân dân có cuộc sống ấm no.

 

 

Tại lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức để du khách có thể tham gia thử sức. Các trò chơi như đẩy gậy, hội vật, leo núi, cờ tướng, kéo co, ném còn, cà kheo, bắn nỏ, chọi gà, bóng chuyền, bóng đá… được tổ chức sôi động dưới sự tham gia của nhiều người.

 

Tham gia lễ hội Tản Viên Sơn Thánh sẽ có nhiều hoạt động dân gian được tổ chức

 

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ nổi bật về khả năng lan tỏa, sức sống lâu bền, mà còn thể hiện tính thống nhất trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng chung tín ngưỡng.


Anh Thư (Tổng hợp, ảnh: Internet)