Là một ngôi chùa của Phật giáo Nam tông Khmer nhưng phong cách kiến trúc - điêu khắc không còn chỉ là thuần Khmer mà còn là sự kết hợp của văn hóa Hoa và Việt.
Ngôi chánh điện có diện tích gần 200m2. Dọc theo hai bức tường của ngôi chánh điện là 12 ô cửa sổ, mỗi bên 6 ô và 2 ô cửa chính nằm về bên trái và bên phải. Mỗi ô cửa có 2 cánh bằng gỗ thể hiện họa tiết của Phật giáo Nam tông Khmer. Cánh cửa bên trái thể hiện thần Ác và cánh cửa bên phải thể hiện thần Thiện. Hai vị này lúc đứng trên ngựa, lúc đứng trên voi và đối xứng nhau.
Với đường nét kiến trúc cân xứng, hài hòa, gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng và hầu hết đều thể hiện được những nét đặc trưng trong nghệ thuật truyền thống của người Khmer, chính điện chùa Khleang thực sự là công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ. Giữa các mẫu trang trí nghệ thuật Khmer, ta còn bắt gặp tác phẩm của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc, trong quá trình cộng cư lâu dài đã kết hợp các yếu tố tinh hoa trong nghệ thuật, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.
Là một ngôi chùa của Phật giáo Nam tông Khmer nhưng phong cách kiến trúc - điêu khắc không còn chỉ là thuần Khmer mà còn là sự kết hợp của văn hóa Hoa và Việt. Điều này thể hiện bằng các dòng Hán tự được khắc trên thân các cây cột trong ngôi chánh điện và bao lam lại thể hiện phong cách và họa tiết Việt Nam. Chùa Kh’Leang được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa ngày 27/4/1990.
Chùa Kh'Leang (Tỉnh Sóc Trăng) hiện sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa đầu tiên kết hợp phong cách kiến trúc Khmer - Hoa - Việt.