Đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường thuộc môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật được thành lập bởi Cố lão võ sư Đặng Tây (Đặng Văn Thành) năm 1979. Với hơn 40 năm hình thành và phát triển, đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường đã và đang lưu truyền cho lớp trẻ kiến thức cũng như tinh thần gìn giữ văn hóa lân sư rồng và võ thuật nói riêng cũng như các nét văn hóa đặc sắc khác của người Hoa nói chung như kinh kịch, hội họa, múa dân gian…
(11).jpg)
Đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường thuộc môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật được thành lập bởi Cố lão võ sư Đặng Tây (Đặng Văn Thành) năm 1979.
Múa lân là một môn nghệ thuật có từ lâu đời, gắn liền với phong tục, tập quán và các ngày lễ hội lớn của người Hoa, đặc biệt là vào dịp Tết. Múa lân có 2 loại: Nam sư và Bắc sư. Nam sư tức là con lân chúng ta thường gọi – thịnh hành ở miền Nam Trung Quốc, nhất là tại Quảng Đông. Sư tử hay còn gọi là Bắc Sư trong thuật ngữ lân sư rồng là con vật xuất xứ từ Tây Á được sứ giả Ba Tư cống nạp cho vua Trung Hoa xưa. Sau này, do chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo, sư tử với hình tượng oai vệ, uy mãnh được nhận định có khả năng trừ tà và vượng tài. Vì vậy, trong văn hóa Trung Hoa hình thành thói quen đặt cặp sư tử đá trước cổng cung điện, biệt phủ… với một con đực chân đạp quả cầu mang nghĩa trừ tà, con cái với hình tượng chơi đùa với sư tử con mang ý nghĩa vượng tài.
Trong múa lân sư rồng, sư tử thường được múa thành cặp và biểu diễn với người dụ châu, cùng với đạo cụ là bàn vuông hoặc trái châu. Sư tử đứng trên trái châu điều khiển cho trái châu di chuyển trên một đoạn đường nhất định. Có thể biểu diễn 1 con sư đi trên trái châu hoặc nhiều hơn như 2,3,4… Hiện tại, Đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường được xem là đoàn lân đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm hiện nay tại Việt Nam có thể biểu diễn 5 con sư (10 người) cùng đứng trên trái châu và di chuyển quãng đường dài.
Sự kiện biểu diễn tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu” tổ chức tại Trung tâm văn hóa Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh
Sự kiện biểu diễn tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu” được đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường tổ chức vào sáng ngày 30.7.2023 tại Trung tâm văn hóa Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh. Sự kiện có sự hiện diện của lãnh đạo các phòng ban thuộc Ủy ban Nhân dân Quận 5 và Quận 11, các vị lãnh đạo Liên đoàn Lân sư rồng Thành phố Hồ Chí Minh, các đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings và các thành viên của đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường cùng chứng kiến.
(12).jpg)
Các đại biểu có mặt tại sự kiện (Ảnh VietKings)
Tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu” với 5 con sư - tức 10 người phối hợp đứng trên 1 trái banh sắt. Theo đó, 10 người này phải phối hợp lên xuống nhịp nhàng, sắp xếp cự ly đội hình và giữ cân bằng để đứng được trên trái banh cũng như nhích từng bước chân để di chuyển banh lăn về phía trước.

Tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu” với 5 sư (10 người) cùng 1 người dụ châu cần phải tập trung cao độ và kết nối với nhau để tiết mục được biểu diễn thành công.
Độ khó của tiết mục này là cần phải có 1 nhóm người cùng tập luyện trong một thời gian đủ dài để hiểu ý nhau trong khi thực hiện. Từ việc phân bố đủ không gian cho từng vị trí đứng, phân bố đều lực để giữ thăng bằng, phân bố vai trò để banh đi hoặc thắng lại đều đòi hỏi có 1 sự tính toán tỉ mỉ và chính xác - vì chỉ cần có 1 chút sai lệch nhỏ nhất là toàn đội sẽ ngã ngay và tiết mục sẽ thất bại.

Với đoạn đường 12m được thiết kế đặt biệt trên đường ray cố định và trái châu sắt, Tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu” được chứng kiến và ghi nhận bởi VietKings (Ảnh VietKings)

Người dụ châu và 5 con sư cùng nhau phối hợp nhịp nhàng suốt quãng đường di chuyển (Ảnh VietKings)
Ngoài những gì tính toán trên lý thuyết, thực hành cũng cực kỳ quan trọng. Cảm giác đi banh là thứ yêu cầu diễn viên phải bỏ công sức và thời gian để rèn luyện. Phần lớn các diễn viên khi thực hiện tiết mục này phải khoác lên mình những chú sư khiến tầm nhìn của họ sẽ rất hạn chế, gần như không thể thấy gì. Việc duy nhất họ có thể làm trong quá trình đi banh là dựa vào cảm giác cũng như kinh nghiệm và nghe hiệu lệnh của người dụ châu.
Sau khi tiết mục hoàn thành, đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường xuất sắc thực hiện thành công Tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu” với 1 lần thực hiện và quãng đường đi ghi nhận là 12m. Với thành tích này, Tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu” của đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường đã đạt đủ tiêu chí và kỹ thuật cần thiết để xác lập Kỷ lục Việt Nam với nội dung: "Tiết mục biểu diễn 5 con Sư tử (10 người) đứng trên một trái châu di chuyển với quãng đường 12m đầu tiên tại Việt Nam".

Ông Dương Duy Lâm Viên - Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam, Tổng thư ký Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam phát biểu ghi nhận thành tích của Tiết mục “Ngũ Sư Hí Cầu”. (Ảnh VietKings)
Đại biểu cùng chụp hình lưu niệm sau thành công của tiết mục (Ảnh VietKings)
Dự kiến, sự kiện trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường sẽ được tổ chức vào ngày 5.8.2023.